SGK sai: Không nên "đánh tráo khái niệm" (07/09/2012)Biên soạn SGK là công việc đòi hỏi sự cẩn trọng cao về chi tiết, ngôn ngữ, nội dung, chủ đề. Một khi đã sai thì tác giả nên nhận lỗi và ngành GD- ĐT cần kịp thời điều chỉnh ngay, dù biết rằng có thể tốn kém.
Mới đây, tôi đọc được bài của GS.TS Nguyễn Minh Thuyết (Tác giả sách giải thích: Hai Bà Trưng đánh giặc nào - VietNamNet, 04/ 09), mà thấy khó chấp nhận cách lý giải, nên xin viết bài này trao đổi lại... Sơ suất nhỏ và ...hệ lụy lớn Ở cuối bài, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng "Việc bài tập đọc Hai Bà Trưng trong sách "Tiếng Việt lớp 3" nêu hay không nêu tên nhà Hán là chuyện nhỏ. Không nên vội thêu dệt thành những chuyện sai lạc với bản chất sự việc"(?) Tôi không hiểu trình độ thẩm thấu lịch sử của tác giả đến đâu, nhưng chắc chắn rằng ông đã quên nguyên tắc tối giản của bất kỳ bài học lịch sử nào, dù là chuyện kể, chính sử hay dã sử..., đều phải biết rằng ai đánh ai, đánh với mục đích gì. Đánh giặc mà không biết kẻ thù là ai thì chẳng lẽ sự đui mù... dẫn dắt sao? Hay, tác giả cho rằng thời Hai Bà Trưng cũng giống thời nay, bạn- thù cứ lẫn lộn lung tung, nên tốt nhất là đừng bắt thẳng tay, day tận trán, để cho nó yên chuyện? Đó là tôi không muốn suy luận - nói xa hơn rằng những tác giả của SGK đã "kỵ dơ" với từ HÁN vì đó không chỉ động đến tên của một triều đại mà động đến vấn đề lớn hơn. Hàng chục phản đề trên báo chí mà tôi đã đọc trong thời gian qua chẳng thấy chỗ nào "thêu dệt" như tác giả đã nói, mà tôi chỉ thấy sự ngụy biện. Những câu sau đây nếu không phải ngụy biện thì là gì: Các cháu còn nhỏ, đường học còn dài... Điều chưa biết ở môn này, lớp này, đến môn khác, lớp khác sẽ được học... Còn đối với các cháu sớm hiểu biết, không đợi đến lớp 4, thì thầy, cô, cha mẹ, ông bà hoàn toàn có thể giải thích cho các cháu, thậm chí các cháu cũng có thể chủ động tìm kiếm thông tin trên mạng hay trong sách vở về thời kỳ này (?) Xin hỏi tác giả: Thứ nhất, SGK vốn phải bảo đảm tiêu chí sư phạm, khoa học... Do đó, nó có cho phép giáo viên, ông bà, cha mẹ diễn giải theo bất cứ cách nào, phụ thuộc vào bất cứ trình độ nào? Thứ hai, một môn học "sơ sơ" để sau này, mai kia học lại là... đúng sao? Chính điều này phải chăng là căn nguyên của thực trạng học sinh chán môn sử bởi SGK cứ lặp đi lặp lại 1 điều "cũ rích" suốt 12 năm, 16 năm? Học sinh lớp 3 không thấy chữ Hán thì đến lớp 4, các em thấy người lớnthêm vào là tốt hay xấu? Thứ ba, nếu ông bà, cha mẹ các em học sinh là nông dân không có điều kiện đi học, mở mang hiểu biết, các em biết hỏi ai. Bởi đâu phải hàng triệu học sinh đều có cha mẹ, ông bà là GS.TS? Thứ tư, ông nói các cháu chủ động tìm kiếm thông tin trên mạng. Thế nhưng, rất có thể, nhiều vùng quê nghèo, khó khăn không có mạng Internet, máy tính, hoặc các em không có tiền để thường xuên truy cập thông tin, các em sẽ hỏi ai? Một sơ suất nhỏ dẫn đến "hệ lụy" lớn.
Học xong không hiểu, học để làm gì? Sự ngụy biện của tác giả còn đi xa hơn nữa, khi ông vạch cái sai cái thiếu của sách khác, để biện minh rằng họ sai được thì tôi cũng sai được (?). Và "ngày xưa" không ai trách trích dẫn thiếu thơ thì ngày nay tại sao lại trách tôi? Đây là cách làm tối kỵ của một nhà khoa học bởi chuyện nào ra chuyện đó. Cũng không nên lấy cái sai của trước kia để cho rằng ngày nay được quyền sai lầm. Nếu không, cũng có thể gọi là một kiểu "đánh tráo khái niệm".
Biên soạn SGK là công việc đòi hỏi sự cẩn trọng cao về chi tiết, ngôn ngữ, nội dung, chủ đề. Một khi đã sai thì tác giả nên nhận lỗi và ngành GD- ĐT cần kịp thời điều chỉnh ngay, dù biết rằng có thể tốn kém. Còn nhớ, cách đây 7 năm, trong loạt bài Lịch sử theo trang sách học trò, đăng trên Lao Động, tôi đã nêu ra hàng loạt cái sai trong SGK lịch sử từ lớp 4 đến lớp 12, nhưng tiếc thay, tất cả các tác giả đều ...im lặng. Thời nay đã khác, có người hỏi, có người trả lời, đó là điều tốt, đáng ghi nhận. Nhưng, phải nhấn mạnh rằng, thấy sai mà không sửa thì sự nhận lỗi hóa ra chỉ như viên sỏi nhỏ ném ao bèo. Dù có nói cách gì đi nữa, thì câu chuyện kể phải có đủ nội dung cần thiết bám theo chủ đề. Chẳng hạn phải trả lời được những câu hỏi vì sao đánh? Ai đánh? Đánh ai? Đánh rồi được gì?... Nếu học sinh học xong không hiểu Hai Bà Trưng đánh giặc nào, lại phải chờ đến sang năm hoặc đi hỏi ông, bà, cha, mẹ thì học để làm gì? Hóa ra người lớn đang cho trẻ nhỏ ăn món ăn kiến thức luôn luôn thiếu lượng dinh dưỡng tối thiểu hay sao? Chúng ta bắt trẻ học ngày học đêm để "ăn" cái thứ thực phẩm "thiếu dinh dưỡng" rồi xoa tay chối bỏ trách nhiệm ư?
Hà Văn Thịnh
|
||||
TRƯỜNG CAO ĐẲNG CÔNG NGHIỆP VÀ XÂY DỰNG |