Chẳng cần phải đến thôn Đông, xã Hồng Việt (Đông Hưng, Thái Bình), mà ở các xã gần đó, hỏi nhà ông giáo Lương Văn Trưng thì ai cũng biết. Không phải vì ông đạt danh hiệu nhà giáo nhân dân hay danh hiệu cao quý nào, mà vì trong khoảng 20 năm qua, ông đã dạy ôn thi miễn phí cho rất nhiều con em thương bệnh binh, nhà nghèo của tỉnh Thái Bình đỗ đại học, cao đẳng. Đặc biệt, ông có một kho sách với khoảng 4 vạn đầu sách.
Nghèo vẫn dạy học không lấy tiền
Thầy giáo Lương Văn Trưng vốn là giảng viên của trường Nghiệp vụ công nghiệp địa phương Nam Hà (đặt tại Lý Nhân), về hưu từ năm 1980. Qua giới thiệu của đồng nghiệp cũ, cũng là người từng chịu ơn mình đang làm lãnh đạo tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Bình, ông nhận lời dạy tiếng Anh, tiếng Pháp nâng cao cùng tiếng Latinh cho đội ngũ bác sĩ, kỹ sư của tỉnh, dạy bồi dưỡng văn, ngoại ngữ cho giáo viên văn PTTH trong tỉnh. Vì là thầy của thầy, nên ông nhất loại được học trò đang đứng trên bục giảng gọi là ông, xưng con.
Ông giáo làng Lương Văn Trưng bên những hòm sách của mình.
Hết khóa học ấy, ngồi rỗi không chịu được, ông tập trung 5-6 học sinh là con cháu của các bậc lão thành cách mạng vốn là người quen của mình, ôn thi tốt nghiệp PTTH và thi đại học. Ông dạy cả toán, lý, hóa lẫn văn, sử, địa, tiếng Anh, tiếng Pháp, đặc biệt là tiếng Anh, tiếng Pháp.
Nhưng mỗi năm, ông cũng chỉ nhận dạy 5 - 6 học sinh, mà phải là học sinh có sức học khá, chăm ngoan, con em thương binh, liệt sĩ hoặc con nhà nghèo, vì “Lớp đông quá thì sức tôi không kham nổi”, ông nói.
Ông thường bảo học trò, nếu chỗ nào không hiểu cứ nói để ông giảng lại. Lớp học đặt tại trường PTTH Tiên Hưng (huyện Đông Hưng). Mỗi năm cũng chỉ vài tháng giáp kỳ thi, ông - trò mới ôn luyện. Hầu hết những học sinh học lớp ôn thi của ông đều đỗ đạt cao.
Dạy ở trường PTTH Tiên Hưng, cách nhà chừng 5km, nhiều giáo viên và học sinh muốn được đưa ông về bằng xe máy nhưng ông không muốn làm phiền ai, vẫn kẽo kẹt chiếc xe đạp tồng tộc. Mãi về sau, sợ sức yếu quá phải đi xa, ông mới cho học trò chở về bằng xe máy.
Nhiều người bảo ông là dở, là dại dột, bởi trong khi người ta dạy luyện thi đại học để mua xe, xây nhà thì ông cứ dạy không công. Ngay cả các con ông cũng bảo: “Ông già rồi, chẳng có thu nhập, uống bằng nước lã à”?.
Ông thường căn dặn học trò là ông con sống với nhau chân thật, nhớ đến nhau là được, đừng quà cáp. Một lần có phụ huynh biếu mâm vải thiều, ông cũng không nhận. “Cuộc sống đến thế là đủ rồi. Tôi có chế độ về hưu mất sức của mình”.
Gọi là có chế độ, chứ do vì về hưu mất sức năm 1980 nên chỉ có sổ gạo chứ không có lương, sau đó mới được 45.000 đồng/tháng rồi tăng lên 50.000 đồng, hiện tại cũng chỉ được hơn 300 nghìn đồng/tháng. “May mắn là tôi có người vợ rất tốt, bà ấy không hề kêu ca gì”, ông nói.
Lúc mới về hưu, con cái nheo nhóc, ông phải xuống ao lấy bùn thuê nuôi gia đình. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, các con ông cũng không theo học lên cao, người đi bộ đội, người đi xây dựng vùng kinh tế mới ở Điện Biên, Lai Châu, cuộc sống rất vất vả.
Dù đã được nghe kể trước, nhưng đến nhà ông, chúng tôi vẫn không khỏi ngạc nhiên bởi căn nhà ba gian quá bé nhỏ, nếu không nói là tuềnh toàng. Ngoài bộ bàn ghế đivăng cũ kỹ, chiếc tivi từ đời “cổ lai hy”, thì chẳng có gì đáng giá.
Ngay như chiếc tivi ấy cũng là đồ cũ của người quen mà con gái ở Điện Biên xin về biếu bố mẹ. “Trước mình khổ lắm, nhưng nhờ các thầy giáo tốt nên mình mới được ăn học đến nơi đến chốn, nên chẳng có lý do gì khi học sinh nghèo, ham học mà mình lại không giúp đỡ.
Tài sản lớn nhất đời tôi là tình cảm của các thế hệ học trò” - ông giáo già từng được Giáo sư Hoàng Như Mai gọi là “học sinh yêu” bảo vậy. Đến nay, ông cũng không thể nhớ nổi mình có bao nhiêu học trò, vì mấy chục năm cần mẫn đưa đò, vị học trò lớn tuổi nhất của ông là nhà thơ Trần Đình Động cũng trên 75 tuổi, lớn hơn cả thầy.
Chỉ tính đến năm 2004, có 86 học sinh con em thương bệnh binh, lão thành cách mạng, con nhà nghèo đã bước vào giảng đường đại học, cao đẳng từ lớp ôn thi của ông giáo làng Lương Văn Trưng, trong đó có em Điền đạt điểm cao nhất kỳ thi tốt nghiệp PTTH tỉnh Thái Bình năm 2002, em Bảo (xã Thăng Long, huyện Đông Hưng) đỗ thủ khoa Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội năm 2003.
"Giáo sư Lavalatra”
Hơn 10 tuổi, cậu bé Lương Văn Trưng ở xã Hồng Việt, phủ Tiên Hưng đã nổi tiếng thông minh, đặc biệt rất giỏi tiếng Pháp. Nhà nghèo, bố mẹ đều làm nông dân, gia đình có tới 7 anh em, nhưng vì cậu bé Trưng học rất giỏi, mỗi năm cậu nhận được hàng tá bút, sách, được ưu tiên đong thóc.
Mới 14 tuổi, nhưng ông phải khai tăng lên 2 tuổi để đủ tuổi thi Certificat (theo quy định 16 tuổi mới được thi Certificat) và đỗ bằng Diplôme khi 16 tuổi.
Không phải dân khoa học, nhưng bị cuốn vào khí thế hừng hực thời kỳ miền Bắc xây dựng CNXH 5 năm lần thứ nhất, ông cũng mày mò nghiên cứu quá trình chuyển hóa phân tử Ion trong đất, ứng dụng trực tiếp vào đời sống nông nghiệp của nông dân.
Công trình khoa học “Đời sống cây trồng” của ông được Hội đồng khoa học duyệt sau 8 ngày và đã được thực nghiệm tại Thái Bình. Trong đó, ông đặc biệt chú ý tới phương pháp truyền đạt tới người nông dân, vì nếu dập khuôn kỹ thuật, kinh nghiệm của các nước vào Việt Nam thì không phù hợp với trình độ dân trí của người nông dân Việt Nam vốn còn thấp.
Đơn giản như việc hòa nước tiểu với phân lân, đạm để tưới cây - vốn là một quá trình phản ứng hóa học với ngôn ngữ chuyên ngành và đó cũng là việc mà nông dân miền Bắc thời đó quen làm, nhưng ông lại giảng giải cụ thể cho họ bằng ngôn ngữ của chính họ.
Trong các buổi thuyết trình bảo vệ công trình khoa học với nhà khoa học nước ngoài, vì cái tên Lương Văn Trưng phát âm khó, nên ông đã nghĩ ra tên Lavalatra (La: Lương, Va: Văn, Tr: Trưng), vừa chơi chữ trong tiếng Pháp (giáo sư), lại vừa viết tắt tên ông cho đồng nghiệp nước ngoài dễ gọi. Biệt hiệu “Giáo sư Lavalatra” bắt đầu từ đó.
Với bản tính giản dị, nhiều người ngạc nhiên, đến khó tin khi thấy "Giáo sư Lavalatra" ăn mặc đơn giản, thậm chí còn có vẻ rất nghèo khổ. Có lần ông dạy ở trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình về, một giáo viên ở gần đó bán tin bán nghi bám theo hỏi thăm.
Lúc đầu ông tưởng anh ta cần giúp đỡ việc gì đó. Nhưng không phải vậy. Anh này chỉ vì muốn được gặp trực tiếp ông để nhìn cho rõ. Anh ta nhìn ông từ đầu đến chân, từ chân đến đầu, rồi bảo: Người ta đồn cụ tên là “Lanxa”, hay xuất hiện trên báo cùng mấy ông Tây to cao, nhưng tôi không tin, hôm nay mới được trực tiếp. Quả thật, họ nói chẳng sai.
Nâng niu 72 hòm sách quý
Một điều đáng khâm phục ở ông là hiện ông có một kho sách quý. Kho sách ấy, một phần do ông có từ trước, một phần do học trò đem về.
Học trò biết sở thích lớn nhất của ông là đọc sách, nên cử nhau đi tìm bằng được sách quý, nhất là sách tiếng Anh, tiếng Pháp mang tới biếu thầy.
Trong số đó có bộ sách tiếng Pháp xuất bản cách đây 60 - 70 năm, bìa bọc lụa rất quý từng qua tay đồng nát, rồi lọt vào tủ sách của một thầy giáo khác, nhưng một vị giám đốc sở tỉnh nọ đã kỳ công tìm về biếu ông.
Hiện nay, tủ sách của ông có hơn 4 vạn cuốn sách, trong đó có nhiều cuốn sách hiếm như bộ “Những người khốn khổ” bằng tiếng Pháp. Toàn bộ số sách ấy được ông lưu giữ trong 72 hòm tôn để tại một khu nhà riêng và cả cạnh giường nằm...
Ai cần sách, ông đều cho mượn: “Chỉ mong mọi người giữ gìn cẩn thận, để khi người khác cần thì có sách cho họ mượn, vì đó cũng không phải sách của tôi mà của học trò nhiều thế hệ gửi tôi. Tôi chỉ giữ hộ cho thôi - ông nói.
Mấy năm nay, do sức khỏe yếu nhiều nên ông Trưng đã thôi dạy học. Tuy nhiên, hằng ngày ông vẫn cặm cụi biên soạn, ghi chép tư liệu bài giảng để tập hợp thành sách đem đi in, nhất là sách về ngoại ngữ.
“Hiện nay nhiều sách ngữ pháp quá, người học và người dạy đều khổ, nên tôi tổng hợp lại có hệ thống, trình độ nào cũng có thể hiểu được. Tôi lo nhất là mình yếu thôi. Nhiều người bảo tôi, ông cứ hoàn thành đi, sẽ in cho ông”, ông tâm sự.